UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành kế hoạch tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023,ốctếlúagạoởmiềnđấtHậ8 plus với chủ đề "Hành trình trăm năm lúa gạo Việt". Sự kiện này diễn ra từ ngày 11 - 15.12.2023, dưới sự chỉ đạo của các Bộ NN-PTNT, Công thương, VH-TT-DL, Ngoại giao và UBND tỉnh Hậu Giang.
Sự kiện lớn, nhiều ý nghĩa
Festival ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng tầm chuỗi giá trị lúa gạo, hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển bền vững đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả, giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Thông qua Festival, các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, nông dân có cơ hội tiếp cận những kiến thức sản xuất mới, công nghệ tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng; đáp ứng yêu cầu số hóa ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thông minh, bền vững. Festival sẽ tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới. Đây cũng là sự kiện lớn chào mừng 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (1.1.2004 - 1.1.2024).
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay công tác tổ chức Festival phải được tiến hành bài bản, nghiêm túc, chu đáo; nội dung hoạt động đa dạng, phong phú, đúng chủ đề. Chương trình khai mạc Festival có sức hấp dẫn lớn với giá trị nghệ thuật cao. Các chuỗi sự kiện phải được tổ chức liên hoàn, bổ trợ qua lại nhau trong một chương trình tổng thể nhằm chuyển tải đầy đủ nội dung đến đại biểu, khách tham quan, người dân có nhu cầu tìm hiểu về lúa gạo Việt Nam. Những hoạt động diễn ra tại Festival phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, an toàn, hiệu quả và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người khi đến với Hậu Giang.
Festival sẽ có khoảng 500 gian hàng trưng bày các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất lúa gạo, sản phẩm OCOP, giới thiệu những món ngon chế biến từ gạo, nếp…
Những điểm nhấn của Festival
Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật quy mô lớn diễn ra vào tối 12.12, phát trên sóng Đài PT-TH Hậu Giang (www.hgtv.vn), được kỳ vọng là điểm nhấn hấp dẫn của Festival, thu hút đông đảo người xem.
Điểm nhấn kế tiếp là triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" tại bờ kè Kênh xáng Xà No (TP.Vị Thanh). Con đường lúa gạo Việt Nam không chỉ truyền thông Festival lúa gạo mà còn là nơi đưa khách tham quan đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi khám phá, trải nghiệm quá khứ, hiện tại, tương lai của lúa gạo Việt Nam. Con đường lúa gạo thể hiện quá trình trồng lúa Việt Nam từ lúc sơ khai đến thời đại nông nghiệp 4.0. Cuối con đường là bản đồ lúa gạo (ngang 3m, cao 9m) được làm từ gạo đặc sản của 63 tỉnh thành cả nước và bản đồ lúa gạo đặc sản sẽ được công nhận kỷ lục Việt Nam.
Trong khuôn khổ Festival còn có triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, sản xuất lúa gạo của các tỉnh thành cả nước; triển lãm chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; triển lãm "Lúa gạo Việt - Thương hiệu Việt - Tự hào của người Việt"; triển lãm "Lúa gạo quốc tế", triển lãm "Nông nghiệp số - Nền tảng phát triển bền vững"; triển lãm "Nông nghiệp xanh - Công nghệ sạch"; triển lãm của ngành "Ngân hàng phục vụ sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới"; triển lãm ngành du lịch…
Một điểm nhấn nữa là nghệ nhân các tỉnh thành cùng chế biến 200 loại bánh làm từ gạo, sẽ mang đến nhiều điều thú vị đối với người xem. Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo còn có hội thi "Món ngon từ gạo, nếp Việt Nam"; hội thi "Món ngon Nam bộ"; hội thi "Nhà nông trẻ chuyên nghiệp tỉnh Hậu Giang"; chương trình trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm…
Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra các hội thảo quy mô lớn liên quan Festival lúa gạo. Theo đó, hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi "Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực" (14 giờ ngày 12.12); hội thảo "Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững" (8 giờ ngày 13.12, hội trường 1), hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới" (8 giờ ngày 13.12, hội trường 2), hội thảo quốc tế "Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo" (14 giờ ngày 13.12) sẽ quy tụ đông đại biểu, chuyên gia trong ngoài nước tham gia. Các hội thảo sẽ cung cấp nhiều thông tin mới, bổ ích, giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.